Thứ Sáu, 7 tháng 6, 2013

Những chiếc hộp

Một lần tình cờ, tôi phát hiện một chiếc hộp sắt tây khóa kín để trên nóc tủ. Ba nói, nó đựng di chúc của ông nội. Trong đó viết rõ ông để lại cho tôi cái gì khi ông "về với đất". Tôi chợt nghĩ, nếu mình cũng phải đi xa, xa thật xa, mình sẽ để lại gì cho những người mình thương yêu.

Vậy là tôi quyết định mình cũng sẽ làm "di chúc". Tôi cũng tìm một chiếc hộp có khoá. Trong đó, tôi cất tờ "di chúc" và tất cả... gia tài sản nghiệp của mình.

Mỗi năm một lần vào đêm giao thừa, sau khi đã quét dọn nhà cửa sạch sẽ, tôi ngồi vào bàn và viết. Tất nhiên, chẳng phải là thời điểm bi thảm để nghĩ đến cái chết nên "di chúc" của tôi chỉ là một bản kiểm kê và phân chia "tài sản", những gì tôi đã dành dụm được trong suốt thời gian qua, cho những ai mà tôi đã gặp và yêu quý.

Bản di chúc đầu tiên được viết năm tôi tám tuổi, rất ngắn vì gia tài của tôi chẳng có gì nhiều. Tôi "để lại" cho ba tấm ảnh ba đang bế tôi trên tay cười toa toét, "để lại" cho mẹ tấm ảnh mẹ đang dỗ tôi ngay trước nhà thờ Đức Bà. "Để lại" cho hai đứa em trai của tôi những chiếc xe điện mới toanh mà tôi đã phải dọa dẫm để dành với chúng. "Để lại" cho ông nội cây gậy mà tôi nhặt được ở nhà kho. "Để lại" cho Bảo Vi, đứa bạn thân nhất của tôi chiếc nón vải.

Rồi tôi lớn lên, dù có ra sao tôi vẫn về nhà vào mỗi đêm giao thừa, ngồi vào chiếc bàn bên cạnh cửa sổ, nhìn ra bầu trời tối đen, mịn màng của đêm ba mươi và viết. Mỗi năm, tôi đến nhiều nơi hơn trong những chuyến du lịch với bạn bè, những chuyến công tác... và những thứ tôi nhặt nhạnh về cũng nhiều hơn: một chiếc lược đồi mồi từ Hà Tiên, những nụ hoa ngọc lan khô cong vẫn thơm nồng nàn như khi chúng đánh thức tôi dậy trong một đêm rất trong bên cạnh sông Tiền, một chiếc vỏ ốc tầm thường dạt vào bãi cát ở Nha Trang, một mảnh đá xấu xí văng ra khi tôi đi ngang qua những người thợ đục đá Non Nước. Và mồi lần nhặt lên, tôi đều nghĩ rằng tôi sẽ dành lại chúng cho một người nào đó mà tôi đã gặp. Chúng đánh dấu sự hiện hữu của tôi trên thế gian, đánh dấu những bước chân của tôi đã đặt lên mảnh đất này, miền đất nọ, và đánh dấu tình yêu thương mà tôi dành cho những con người đã đến rồi đi trong đời tôi. Mỗi năm, những đồ vật chẳng đáng giá gì mấy cứ chất đầy chiếc hộp, cả một quả bàng khô, một con ve sầu chưa lột xác còn giữ nguyên màu xanh óng, đến nỗi tôi phải thay một chiếc hộp lớn hơn.

Khi ông nội mất đi, ba tôi mở hộp ra và đọc cho mọi người nghe tờ di chúc, thứ duy nhất ông để lại là những mảnh đất, chia đều cho tất cả mọi người, đất trồng cây ăn trái, đất trồng khoai sắn và đất trồng lúa. Ông để lại cho tôi tủ sách và một rẻo đất rất nhỏ hình tam giác, nằm cạnh những mảnh ruộng mà ông đã làm lụng suốt đời trên đó. Một mảnh đất đủ để tôi trồng những cây cà chua và những luống rau muống, ông viết vậy, với tất cả tình yêu thương. Trước đây, có lần ông bảo rằng, chỉ với một miếng đất bé xíu như thế thôi, người ta chẳng thể nào đói được. Tôi đã đứng trước rẻo đất ấy và khóc rất nhiều.

Tôi chợt nhận ra là cuộc sống thật sự ngắn ngủi và đầy bất trắc. Tôi cũng nhận ra rằng làm cho những người khác biết mình yêu thương họ ngay lúc này tốt hơn là ấp ủ tình yêu đó cho tới khi ta không còn cơ hội để trao nó cho họ nữa. Tôi buồn bã khi nghĩ rằng đáng lý ra, tôi phải cho em tôi những chiếc xe đồ chơi khi điều đó còn làm cho chúng vui sướng, hơn là cất giữ hàng năm trời, cho tới khi chúng bắt đầu mơ về những chiếc xe hơi thật. Từ đó, tôi không viết di chúc nữa, tôi vẫn nhặt nhạnh những đồ vật xinh xinh mà tôi nhìn thấy, nhưng không cất đi mà tặng ngay cho ai đó mỗi khi có dịp.

Cho đến bây giờ tôi vẫn giữ chiếc hộp đã trống không của tôi, cũng như chiếc hộp sắt tây chỉ đựng tờ di chúc dài hai trang trang giấy của ông nội, vì tôi biết, có một thứ vẫn luôn đầy ắp trong chiếc hộp ấy, đó là tình yêu thương ông Nội dành cho tôi, và tình thương tôi dành cho mỗi người tôi gặp, cho cuộc sống này.

Đặng Nguyễn Đông Vy
http://www.truyenngan.com.vn/tieu-thuyet/truyen-ngon-tinh-hien-dai/444-hay-tim-toi-giua-canh-dong.html