Thứ Sáu, 21 tháng 12, 2012

Nước mắt chảy xuống

Hoàng Tá Thích

Nhớ một câu chuyện đăng trên báo, về một bà mẹ làm ruộng ở một nơi xa xôi nào đó để nuôi đứa con trai duy nhất đi học. Đến lúc vào lớp cuối tiểu học thì bà mẹ bị đau cột sống không thể làm việc được. Đứa con muốn bỏ học để làm việc giúp mẹ,nhưng bà nhất định không chấp nhận và cuối cùng cậu bé “đành” phải cắp sách đi học. 

Hằng tháng, bà mẹ đến trường để đóng học phí, thay vì tiền thì bà xin góp gạo. Hiệu trưởng nhìn mớ gạo của bà, nhăn mặt vì gạo không những xấu mà còn trộn lẫn đất cát, dặn lần tới phải đem gạo tốt hơn. Tháng sau lại cũng thế. Lần này, thầy Hiệu trưởng nói cho bà mẹ biết nếu lần tới gạo còn quá tệ như thế, sẽ không nhận và cho con bà nghỉ học. Tháng sau,bà mẹ lại đến với một bao gạo không hơn gì các lần trước. Lần nầy thầy Hiệu trưởng chưa kịp nói thì bà mẹ đã khóc và thú thật là từ khi đau cột sống không thể làm ruộng được thì đành phải đi xin gạo các nhà lân cận, toàn là nhà nghèo để đóng học phí. Thầy Hiệu trưởng cảm động và bỏ qua, hứa sẽ giúp đỡ bà.

Ngày kết thúc niên học, đứa con trai bà đỗ đầu. Trong buổi lễ tốt nghiệp, bà cũng được mời đến, nhưng bà chỉ dám ngồi vào dãy ghế cuối phòng. Phụ huynh đến dự lễ, ai cũng trông thấy trong một góc ở bục gỗ khán đài có chất ba bốn bao bố nhỏ, không biết là gì. Thầy hiệu trưởng xướng tên thủ khoa tốt nghiệp, chính là con của người đàn bà kia, và thầy yêu cầu bà mẹ lên khán đài. Bà mẹ đi đứng có phần khó khăn, ngại ngùng khép nép tiến lên. Thầy chỉ vào mấy cái bao bố, mở ra cho mọi người xem và kể lại những công lao hy sinh của bà mẹ để mong con mình được học hành tốt. Đứa con bây giờ mới vỡ lẽ ra, chỉ biết ôm lấy mẹ mà khóc.

Người ta thường nói “Nước mắt chảy xuống” là thế. Phương Tây cũng có câu ngạn ngữ như thế không khác gì chúng ta. Nước mắt chỉ chảy xuống, nên thường cũng có câu :”Cha mẹ nuôi con biển hồ lai láng, con nuôi cha mẹ kể tháng kể ngày.” Thực ra không đến nỗi con cái nào cũng thế, nhưng chung chung, đó là chuyện rất đời thường.

Khi cha mẹ đã già thì lúc nào cũng rảnh rang, có thể dành cả quảng đời còn lại cho con cái. Trái lại lúc đó thì con cái vẫn còn phải bận rộn với đời sống của chúng và còn phải lo cho con cái chúng trưởng thành, không có dư thì giờ nhiều dành cho cha mẹ. Nước mắt chảy xuống là thế.

Người ta cũng thường nói “Hùm dữ không ăn thịt con”. Thường xẩy ra những trường hợp con cái từ bỏ cha mẹ, chứ hiếm khi có trường hợp cha mẹ từ con. Phần đông con cái lúc còn trẻ thường cho cha mẹ thuộc về thế hệ cũ, lạc hậu, nên thường bỏ ngoài tai những dạy bảo của cha mẹ. Con cái có thể oán hận cha mẹ, từ bỏ cha mẹ vì chưa đến cái tuổi để hiểu về lòng dạ bậc sinh thành. Ngược lại, cha mẹ giận những đứa con ngỗ nghịch những muốn từ bỏ, nhưng khi có những bất hạnh xẩy đến cho con cái thì không những cha mẹ ân hận mà còn đau khổ và luôn luôn dang tay ôm trọn vào lòng. Người ta bảo nước mắt chảy xuống là thế.

Một người chỉ có một đời. Nước mắt chảy xuống chia đời thành hai.

Cuộc đời thứ hai là cuộc đời con cái mà mình phải dính liền với chúng.

Con cái dù có bao nhiêu tuổi thì vẫn còn là những đứa trẻ đối với cha mẹ, vẫn luôn luôn nằm trong sự lo lắng của bậc cha mẹ. Ngược lại cha mẹ già yếu thì con cái chỉ có một bổn phận là lo tròn những nhu cầu vật chất là chủ yếu. Phần biểu hiện tình cảm thì còn phải tùy thuộc hoàn cảnh con cái có được hoàn toàn tự do hay không để có thể thường xuyên ở gần cha mẹ. Ở Âu Mỹ, chung chung,cái khó khăn nhất cho con cái là lúc cha mẹ về già và cách giải quyết gần như duy nhất là những viện dưỡng lão mà có những chỗ như một nơi chốn để chờ đợi giây phút cuối cùng của cuộc đời. Sống buồn bã, cô đơn vì phải xa cách con cái, mong ngày cuối tuần con cái vào thăm viếng nếu chúng rảnh rỗi. Để cha mẹ già ở nhà là cả một vấn đề. Con cái mỗi người ở một nơi, để cha mẹ ở nhà nào đây. Ban ngày ai cũng phải đi làm việc, phải thuê người có chuyên môn săn sóc người già. Tối đến, phải thay phiên nhau đến với cha mẹ. Đôi khi cũng muốn ở gần hầu hạ cha mẹ già, nhưng còn công việc làm ăn không thể nào bỏ được. Những chuyện linh tinh tế nhị con cái không ai dám mở miệng,nhưng bên trong thì đã có những mầm mống phiền muộn, không bằng lòng nhau….Càng lâu,càng nhiều vấn đề.

Thực ra thì cũng là chuyện thường tình, vì con cái lúc còn nhỏ, đau yếu thì không mẹ cũng có cha bên cạnh. Trừ những căn bệnh quái ác thì cũng hết bịnh ở bệnh viện rồi cũng trở về nhà. Cha mẹ thì khác. Không những lớn tuổi, thường có bệnh tật mà còn vì tuổi già sức yếu, đôi khi không bệnh tật cũng chỉ nằm hoài một chỗ chờ ngày ra đi mới là vấn đề. Con cái còn gia đình, còn lắm việc phải lo toan, đâu thể dành hết thì giờ cho cha mẹ được. Có một điều khác biệt giữa những gia đình giàu có và nghèo khổ. Con cái nhà nghèo thường biểu lộ lòng hiếu đạo với cha mẹ hơn là con nhà giàu, vì dễ hiểu là cha mẹ nghèo lo cho con cái ăn học khó khăn trăm bề nên sự hy sinh của cha mẹ nghèo được con cái thấy rõ ràng trong khi những cha mẹ giàu có không cần phải lo lắng và con cái cũng thấy như những phương tiện được thụ hưởng là một điều tự nhiên mà thôi. Cha mẹ bây giờ giàu có nhờ ngày xưa đã từng hy sinh, cực khổ để có đến ngày hôm nay cho con cái được sung sướng thì dù có kể lại những gian truân ngày trước, con cái cũng khó lòng hình dung ra được. Sự hy sinh của bậc cha mẹ lúc nghèo khó có thể nói là bao la như trời biển, đôi khi phải hy sinh cả thân xác mình cho con cái được nên người. Mãi đến khi con cái thành đạt, cha mẹ có khi đã không còn.

Nước mắt chảy xuống là thế, vì trời sinh đã là thế. Bởi vậy, bậc cha mẹ tốt hơn hết, không bao giờ nên nghĩ đến chuyện nhờ cậy hay chuyện con cái có thể trả hiếu mình lúc tuổi già để khỏi phải có những thất vọng về tình cảm. Không phải vì bất hiếu mà vì không thể có hoàn cảnh thuận tiện để vẹn toàn mà thôi. Con cái thành đạt, thì cha mẹ hãnh diện vì nuôi dạy con tốt. Con cái giàu có mà còn biết trân trọng những món quà tặng của cha mẹ thì đó là hạnh phúc của cha mẹ. Hãy nên nghĩ đến chuyện lo cho nhau. Quen lo lắng cho nhau giúp cho bậc cha mẹ vừa có thể chung vui hạnh phúc với con cái, mà lại được sự thanh thản trong lòng trong giai đoạn tuổi già bóng xế, đỡ phải làm phiền con cái. Ngược lại,con cái sẽ được thoải mái vì không quá băn khoăn về việc lo cho cha me. Con cái mình lớn lên có gia đình riêng của chúng, rồi cũng sẽ có những suy nghĩ chẳng khác gì mình. Nước mắt cứ thế mà luân lưu chảy xuống, đời nầy qua đời khác. Đó cũng là một thứ luân hồi của cuộc đời vậy.

Con cái lúc đã lớn tuổi, hồi tưởng đến cha mẹ lúc còn sống, càng thấy thương cảm, nhớ nhung, tiếc nuối vì có những điều làm cho cha mẹ không được hài lòng, hay có những điều muốn làm cho cha mẹ vui lòng nhưng đã muộn rồi, không còn cơ hội để báo đáp. Càng thấy tiếc thương, ân hận thì lại càng thấy tình thương bao la của bậc sinh thành. Hiếu đạo của con cái đối với cha mẹ thực không thể nào so sánh, bù đắp lại với tình thương của cha mẹ đối với con cái được. Nước mắt chảy xuống là thế. Chuyện tự nhiên đời nầy tiếp diễn đời khác vẫn là thế như một thứ quy luật của cuộc sống, không có gì phải cố gắng thay đổi. Làm cha mẹ chỉ nên thương yêu con cái và không bao giờ nên nghĩ đến con cái sẽ trả hiếu cho mình như thế nào mới an lạc. Ấy là nước mắt chảy xuống. Ấy là xuôi theo tự nhiên để được nhẹ nhàng thanh thản.

Hoàng Tá Thích

http://www.art2all.net/tho/hoangtathich/nuocmatchayxuong.htm