Tôi chưa 1 lần được đặt chân tới Pháp, càng xa lạ với thành phố Lion ấy vậy mà số phận đã đưa tới cho tôi những người thân từ nơi xa xôi đó.
Một ngày hè nóng nực, tôi đang tham gia buổi sinh hoạt tập thể bên Hội người mù thì bố đến đón tôi về gấp vì ở nhà có 2 người đang đợi tôi. Một bác tên Đạm Thư còn 1 bác tên là Thịnh, họ đều đại diện cho tổ chức hội nạn nhân chất độc da cam Việt Nam tại Pháp (VNED). Tôi chưa từng gặp họ nên rất ngạc nhiên, ngược lại họ dường như biết rất nhiều về tôi. Ngạc nhiên hơn nữa là họ mang tới cho tôi 1 phong thư rất dày, mở ra thì thấy có tiền, 1 lá thư bằng tiếng Pháp và 1 bản dịch tiếng Việt. Trong thư họ viết rất dài, trước hết là kể sơ qua về gia cảnh của mình, sau đó họ mới nói được biết tôi là nạn nhân chất độc da cam hẳn là cuộc sống rất nhiều khổ sở, thiệt thòi, họ rất thông cảm và muốn được chia sẻ với tôi phần nào khó khăn.
Sau này tôi mới biết khi thành lập tổ chức VNED tại Pháp, người ta đã thử nghiệm gửi 10 hồ sơ sang để vận động những người Pháp đỡ đầu và trước mắt có 5 hồ sơ được chấp nhận trong đó có tôi. Đó có thể là may mắn, có thể là định mệnh hay là duyên số tôi không lý giải được, chỉ biết từ đó tôi có thêm người ông, người bà mang họ Courtaban. Tôi khi đó mới trở lại đi học sau mấy năm liền tạm nghỉ để chữa mắt, tâm trạng thật tồi tệ khi mắt thì không chữa được, xin học lại thì đến đâu người ta cũng từ chối nhưng may mà vẫn được TT GDTX Nguyễn Văn Tố tiếp nhận mà tôi đã không dở dang chuyện học hành. Nghĩ đến những người không quen tận bên Pháp, vì biết tôi đang còn đi học đã sẵn sàng hỗ trợ cho tôi và còn luôn động viên tôi qua mỗi lá thư giúp tôi phấn chấn lên và luôn tự nhắc nhở mình phải cố gắng thật nhiều không chỉ là để thực hiện ước mơ của mình mà còn là để không phụ sự quan tâm của ông bà.
Bắt đầu từ những lá thư qua lại về tình hình học tập của tôi, dần dần là những chia sẻ về văn hóa của mỗi nước thông qua những tấm thiệp, những món quà nhỏ, rồi tới những tâm sự về cuộc sống. Ông bà luôn chủ động kể về đại gia đình của ông bà với tôi, còn gửi cho tôi cả những tấm ảnh mới nhất của các thành viên trong gia đình họ. Lần nào viết thư ông bà cũng dành cho tôi những lời lẽ vô cùng trìu mến yêu thương còn tôi cũng luôn kính trọng ông bà khiến cho tình cảm càng trở nên gần gũi thân thiết. Họ luôn nhắc tôi nếu cần bất cứ thứ gì phục vụ cho học tập mà trong khả năng nhất định họ sẽ làm cho tôi. Thời gian đó tôi đang học cấp III, tôi thực sự rất cần đến chiếc máy đánh chữ nổi vì tôi dự định sẽ học lên Đại học, lúc ấy chắc chắn tôi sẽ rất khó mà tiếp cận với bài học nếu như chỉ lọc cọc viết chữ nổi bằng bảng bút. Trong khi đó không thể tìm mua được nó ở Việt Namnên tôi đã nhờ ông bà tìm và nếu có thì sẽ góp tiền gửi nhờ ông bà mua. Bốn năm nhanh chóng trôi qua, tôi đã không còn nhận sự trợ giúp của ông bà nữa nhưng ông bà luôn tỏ ra lăn tăn vì không thể đáp ứng được mong muốn của tôi dẫu rằng bên Pháp cũng không sản xuất máy đánh chữ nổi. Rồi 1 ngày cuối năm 2004 tôi nhận được tin là đến nhà bác Thịnh để nhận máy chữ nổi. Nghe nói ông bà đã gửi tiền thông qua tổ chức VNED để họ liên hệ nhờ 1 người Mỹ mua 1 chiếc máy mới tinh rồi gửi về Việt Nam tặng tôi, đó quả là món quà bất ngờ nhất mà tôi từng có. Đáng lẽ ông bà vẫn muốn tiếp tục đỡ đầu cho tôi vì tôi vẫn chưa học xong nhưng tôi được biết là thường thì mỗi người chỉ được trợ cấp trong vòng 2 năm, vậy mà tôi đã được tới 4 năm hơn nữa cũng đã vượt qua được giai đợan khó khăn nhất nên tôi đã gửi thư đề nghị ông bà chuyển đỡ đầu sang cho bạn khác khó khăn hơn. Tôi biết ông bà vui lắm vì sau đó họ đã kể với tôi về người mới được họ giúp đỡ, còn tôi thì lờ mờ xuất hiện 1 ý định mới trong đầu.
Tôi luôn tự hỏi “tại sao họ lại lựa chọn giúp mình ngay cả khi họ chưa biết mình là ai?”. Chắc chắn không phải vì phô trương thanh thế hay muốn đánh bóng tên tuổi, càng không phải muốn người khác hàm ơn mình vì nếu như vậy họ đã chẳng âm thầm chọn 1 nước xa xôi như ViệtNam. Họ đã gợi cho tôi suy nghĩ là phải làm điều gì đó để chia sẻ với người khác. Tôi thực hiện ý định đó bằng cách cùng bạn bè đến thăm những làng trẻ. Đầu tiên chỉ là những đồng quà tấm bánh chúng tôi mang tới đó để liên hoan cùng các em, rồi dần dần là những món đồ chơi, những quyển sách, truyện cũ chúng tôi quyên góp được. Giờ thì tôi đã tạo cho người thân, bạn bè và cả hàng xóm thói quen là mỗi khi có đồ cũ vẫn có thể sử dụng thì đều chủ động mang đến nhà tôi quyên góp. Có lúc chưa có chương trình gì tôi vẫn nhận vì sợ nếu không họ sẽ bỏ đi mất rồi đến khi cần lại khó quyên góp lại, chả thế mà phòng khách nhà tôi thường xuyên ngổn ngang thùng cac-tông và bao tải dứa đựng đồ. Những gì quyên góp được chúng tôi không chỉ gửi sang chùa Bồ Đề như trước mà còn tham gia vào các phong trào quyên góp của Hội Chữ thập đỏ hay Mặt trận Tổ quốc ở địa phương. Có khi tôi nhờ những người bạn tình nguyện giúp tôi mang tới những vùng xa xôi, thậm chí nếu cần có thể gửi qua xe khách…
Bảy năm liền chiếc máy chữ nổi đã giúp tôi rất nhiều trong học tập và nhiều hoạt động của hội người mù. Từ ngày có chiếc máy vi tính, tôi ít dùng đến chiếc máy đánh chữ nổi hơn song tôi vẫn luôn muốn giữ nó lại bên mình vì nó không chỉ là món quà kỷ niệm mà còn là cầu nối tình cảm giữa tôi với ông bà bên Pháp vì vậy mà tôi luôn nâng niu và giữ gìn cẩn thận. Song tôi lại nghĩ “máy móc cứ để không cũng sẽ hỏng trong khi đó có biết bao nhiêu người cần đến mà lại không có để dùng” vì vậy tôi muốn tìm 1 nơi phù hợp để tặng lại. Biết ý định của tôi, nhiều bạn bè khiếm thị ngỏ ý, có người còn sẵn sàng mua nó với giá 5 triệu đồng thậm chí nhiều hơn mà tôi đều không bán vì tôi cho rằng làm vậy sẽ mất đi ý nghĩa ban đầu của món quà. Năm 2011, nhân chuyến về quê, tôi đã mang theo chiếc máy ấy về và đem nó tặng cho Hội người mù huyện Can Lộc - Hà Tĩnh. Niềm vui của họ cũng bất ngờ như khi tôi nhận được máy vậy vì họ cũng đã nhờ rất nhiều nơi tìm giúp mà đều không có. Mỗi khi đào tạo thêm được cho 1 người khiếm thị bằng chiếc máy chữ đó họ đều gọi điện chia sẻ với tôi. Tôi kể cho ông bà tất cả và ông bà cũng vui lây vì biết được rằng chiếc máy mà ông bà gửi tặng đã không chỉ của riêng tôi mà còn giúp ích được cho nhiều người khác và tôi nghĩ ông bà hẳn sẽ vui hơn nếu biết chính ông bà đã khơi nguồn để tôi biết cách sống sẻ chia.
http://www.netbuttrian.vn/index.php?page=bai&id=72907