Thứ Tư, 16 tháng 1, 2013

Cô gái với bình xăng đầy

Ví như sáng nay, thứ hai đầu tuần, tôi chạy xe đi làm. Kim xăng chạm dưới vạch đỏ, hôm qua chồng tôi đã đi cạn bình xăng mà không đổ lại. Thế là nỗi buồn chụp gọn lấy tôi.

***

Tôi cũng không hiểu vì sao một chiếc xe sắp hết xăng lại làm tôi buồn đến thế, có thể vì nó làm tôi bất an, làm tôi có cảm giác chùn bước trên phố, làm tôi sợ đèn đỏ (xe dừng lại và có thể chết máy vì hết xăng). Làm tôi phải rón rén chọn những con đường có cây xăng gần nhất. Tôi không còn là mình, lúng túng và ngại ngùng, tôi không còn lượn lờ bạt mạng... vì có thể xe sẽ hết xăng bất ngờ ngay khi tôi đang cố vượt một chiếc xe bồn.

Vì thế tôi luôn đổ xăng xe khi chưa chạm vạch đỏ. Nếu mượn xe ai đó, tôi cũng luôn tránh để kim xăng chạy về zero.


Chồng tôi thường cười lớn khi tôi hối anh đổ xăng, anh hay nói "Khi kim chạy về vạch đỏ em có thể chạy 30km nữa mà!". Anh luôn hồ hởi vô lo khi chạy trên chiếc xe đã hỏng đồng hồ đo xăng, tôi ghen tị với điều đó... tôi không thể làm như anh. 30km đó không làm tôi yên lòng.

Cuộc sống tự lập từ sớm dạy tôi luôn phải có phương án dự phòng, vì có thể lúc mình cần nhất lại là lúc không có ai ở bên. Có lẽ nếu một ngày nào đó, tôi không còn buồn khi ngồi trên những chiếc xe máy sắp hết xăng, thì đó là ngày tôi thực sự có một ai đó chăm sóc cho mình, chọn mua cho tôi một chiếc chăn ấm mà nhẹ hoặc đơn giản là cứ chiều chủ nhật có ai đó sẽ mang xe tôi đi rửa và đổ đầy một bình xăng, để suốt một tuần kế tiếp, tôi không bị nỗi buồn kéo lại từ phía sau.

Tôi thường thấy buồn khi đi qua ai đó đang cần giúp đỡ. Mẹ thường dạy tôi sống tốt với người khác, và giúp đỡ những người đang cần một bàn tay. Nhưng bà quên không dặn rằng, trên đời có nhiều người cần được giúp lắm, nếu con không thể giúp hết mọi người thì cũng đừng lấy thế làm buồn.

Có lẽ tôi kỳ cục, khi tôi đi qua một ông già ngồi ở ngã tư đèn đỏ, trước mặt là chiếc xe đẩy bán bắp rang và hạt dưa. Ngày nào cũng vậy, chiều tan tầm, chưa từng có một chiếc xe nào dừng lại lâu hơn 25 giây đèn đỏ, ai cũng sợ lỡ đèn. Tôi cũng đi qua như họ, nhưng tệ hơn tôi bắt đầu thấy buồn sau khi đi qua ngã tư, thêm một con phố nữa thì tôi buồn thực sự và muốn quay xe lại... Nhưng rồi ngày nào tôi cũng lặp lại đúng nỗi buồn ấy.

Tôi đi qua nhiều cảnh đời với lòng tốt nửa vời, khi tôi nhìn thấy một bà lão sống dưới gầm cầu thang. Tôi thường trút cơm và đồ ăn thừa vào những hộp nhựa rồi cất trong ngăn mát... Có tuần, tôi cất rất nhiều hộp. Khi đi qua hốc cầu thang, tôi luôn dựng ra những kịch bản rằng mình sẽ đưa bà hộp cơm theo cách nào. Nhưng cuối cùng tôi chưa bao giờ đặt hộp cơm nào ở đó. Tôi thấy buồn khi mở tủ lạnh và biết mẹ đã đổ những hộp cơm thừa đi, và nỗi buồn ở nguyên trong tôi mỗi khi tôi đi qua cái hõm cầu thang mà bà già không còn ở nữa.

Đôi khi tôi muốn gạt phứt những nỗi buồn của lòng tốt nửa vời của mình đi, mà vẫn hoài không làm được. Bởi vì tôi chưa thấy buồn khi đi qua họ, nỗi buồn chỉ đến khi tôi đã vượt qua họ rồi, và không thể quay lại được nữa. Như thế, giống như trò chơi!

Tôi không thấy buồn khi ai đó qua đời, mãi tới khi...

Có nhiều người đã đi qua cuộc đời tôi, và họ ra đi mãi mãi, theo nghĩa đen, nghĩa đen nhất của nghĩa đen. Nghĩa là họ không ở đâu đó, một thành phố nào đó, mà họ qua đời, ra đi. Thường, tôi không buồn khi nghe tin ai đó mất, tôi chỉ thấy đó giống như một vòng tuần hoàn, sinh – tử. Đôi khi tôi ngồi, hình dung ra ai đó quanh tôi sẽ mất đi, và tôi chỉ cảm thấy sự trống rỗng. Và vì thế ở đám ma, ít khi tôi khóc và rất ít khi tôi ngó vào quan tài, qua lớp kính, để nhìn người đã ra đi một lần cuối. Vì ngay lúc đó, ngay giờ phút đó, tôi không muốn làm điều gì cùng họ, cái người vừa mới qua đời kia.

Thế nhưng mãi sau này tôi mới nhận ra, tôi rất buồn khi đi qua một con phố, nhìn thấy một chiếc áo, nghe một bản nhạc mà tôi nghĩ người đã ra đi sẽ thích nó, đã thích nó. Khi ấy tôi mới hiểu rằng, tôi sẽ mãi mãi không thể chia sẻ cái gì, bất cứ cái gì với người đó nữa. Chính sự không thể san sẻ này làm tôi cảm nhận rõ nỗi mất mát, và tôi thấy buồn. Có khi, mười năm sau ngày anh họ tôi mất, tôi mới khóc thật lớn... vì tôi biết rằng anh ấy chẳng bao giờ 25 tuổi như tôi.


Vậy đấy! Tôi rất ngốc. Tôi sẽ rất buồn, khi không còn muốn hôn một người tôi đã từng yêu... Tất nhiên, khi yêu nhau, người ta thường hôn nhau. Chẳng hiểu tại sao lại như thế, nhưng ai cũng cho rằng nụ hôn thật tuyệt. Tôi không tán thành, cũng không phản đối. Đôi khi tôi nghĩ, ngồi sau ai đó, ôm họ thật chặt và lim dim ngủ, thì thích hơn là hôn và thở hổn hển.

Thế nhưng tôi sẽ rất buồn nếu tôi nhận ra mình không còn muốn hôn một ai đó nữa. Không bao giờ còn cảm thấy thèm muốn được đặt ngón tay mình, hay môi mình lên đôi môi kia. Không còn thấy đôi môi kia giống như một thứ gì đó có trọn vẹn mùi vị của cuộc đời... thân thuộc và không thể tách rời.

Khi bạn hôn một ai đó với cả tình yêu, bạn sẽ không nghi ngờ gì việc bạn có thể dùng chung bàn chải đánh răng với anh ấy, thậm chí để cho anh ấy nhìn thấy bạn chảy dãi khi ngủ. Nhưng khi bạn nhìn đôi môi ấy với sự vô cảm, và vội né đầu khi nó tiệm cận với gương mặt bạn, và cuối cùng bạn đẩy nó ra... Đó là một nỗi buồn to lớn.

Vì bạn biết, tình yêu đã mất đi ở đâu đó trong chuỗi bất tận của cuộc sống, bạn đã mất đi một người đã từng là cả cuộc sống của bạn.

Khi đó, người ta không đổ lỗi nữa. Người ta chỉ thấy buồn... và đó là một nỗi buồn rất sâu mà bạn cứ nhớ mãi sau đó khi bạn nhìn vào những đôi môi khác.

Nhưng, có một điều làm tôi còn buồn hơn cả nụ hôn. Khi tôi không còn tức giận ai đó được nữa, tôi buồn kinh khủng... Đó là những lúc tôi tưởng rằng, giông tố sẽ nổi lên. Bầu trời sẽ đầy mây đen, và gió thổi tít tắp trên mái tôn của khu tập thể. Đó là lúc ai đó tôi thương yêu làm tổn thương tôi vô hạn... Tôi nghĩ mình sẽ sỉ vả họ, ném tan cái gì đó, vật vã... ngông cuồng... Nhưng đó lại là lúc tôi hoàn toàn không còn nổi giận với người đó nữa. Chỉ còn lại cảm giác dửng dưng... thế nào cũng được...

Đôi khi cảm giác không – thể – tức – giận – được – nữa bỗng nhiên xuất hiện... và ngay lập tức tôi bị cả tấm chăn dày cui của nỗi buồn ụp xuống từ bốn phía.

Đôi khi không còn muốn hôn ai đó có nghĩa là tình yêu đã hết, nhưng bạn vẫn thấy giận dữ, thấy bực bội và đau khổ... điều đó chứng tỏ bạn vẫn còn tình cảm với người đó, và đôi khi tình yêu quay trở lại hoà lẫn với những cảm xúc phức tạp. Vì vậy nhiều người dằn vặt nhau, chia tay, quay lại dằn vặt nhau... là vì họ còn thấy giận nhau kinh khủng.

Nhưng khi bạn dửng dưng, thì mọi thứ chẳng còn gì nữa. Nó có nghĩa là tình cảm lúc ấy bỗng nhiên chết rụi... Và khi ấy có lẽ là lúc buồn nhất trong đời.

Cũng có lần mẹ nói, nếu còn biết buồn, thì đó là một niềm vui vì ta đang sống trọn vẹn. Đôi khi nỗi buồn không quá tệ, vì nó nhắc tôi phải sống tốt hơn!

http://www.truyenngan.com.vn/truyen-blog/trai-nghiem-song/1563-co-gai-voi-binh-xang-day.html